Trung Đông

Chuyện xin visa Lebanon

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:39 pm
Đã đăng: 11/12/2015 10:52 am

Tôi quay trở lại con đường Ampang Hilir – nơi được gọi là con đường ĐSQ khu vực Trung Đông và Trung Á ở Malaysia – từ sân bay Kuala Lumpur bằng 2 chuyến tàu điện và một chuyến taxi. 4 năm đã trôi qua kể từ ngày tôi đến đây để xin visa vào Jordan, con đường đã chút ít đổi thay.

Những hàng cây cao to nhiều năm tuổi vẫn rợp tán phủ mát con đường. Hồ nhân tạo nằm bên phải ở cuối con đường vẫn thơ mộng, im ắng dành cho những đôi lứa yêu nhau đến đây thề cây hẹn nước (vì không có non và biển). Chỉ có sự thay đổi nhẹ khi các quán ăn bình dân nằm bên trái cuối con đường biến mất, còn lại siêu thị chuyên bán phụ tùng xe hơi cùng nội thất cho những căn nhà. Các quán ăn bình dân đã được di dời vào khu mua bán tập trung nằm dưới chân cầu vượt, cách Ampang Hillir khoảng 500m.

ĐSQ Yemen, Syria đã từ chối cung cấp visa bởi hiện nay không một hãng hàng không nào bay đến vì sợ ảnh hưởng loạn lạc chiến tranh. Tôi chỉ còn hy vọng duy nhất ĐSQ Lebanon cấp visa cho tôi bởi đây là một trong những quốc gia còn sống sót ở khu vực “không an toàn” của vùng Trung Đông dù khá nhiều lần bị lôi kéo vào cuộc chiến. Lebanon là quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải thuộc khu vực Trung Đông, khá giàu với mức sống cao và thịnh vượng cùng với JordanIsrael (1 USD = 1,51 Lebanese Pound).

Visa Lebanon

Tôi lang thang đến ĐSQ Lebanon ở số 56, đường Ampang mà cứ suy nghĩ về 2 từ “chiến tranh”. Những kẻ lử hành khác từng tỉ tê vào tai tôi: “Nếu ở VN không có ĐSQ các quốc gia Trung Đông, thì nên đến Kuala Lumpur để xin visa bởi vì đó là quốc gia “làng nhàng” về chính trị, nên hầu hết có mặt các ĐSQ nơi đây, đừng đến Singapore dù Singapore là trung tâm kinh tế của khu ĐNA”. Sự làng nhàng của Malaysia được hiểu rằng: ai họ cũng chơi, ai họ cũng quý, ai họ cũng cầm tay ca hát, không giống như Singapore luôn xác định tư tưởng lập trường chính trị của mình.

Sự “làng nhàng” đó khiến Malaysia nhận cú tát như trời giáng bằng tai nạn MH370 (mãi mãi bí mật), để rồi Malaysia tỉnh giấc Nam Kha bằng MH17 bị bắn và được Hoa Kỳ cho phép vào Mỹ mà không cần visa với thời hạn lưu trú 3 tháng, giống như công dân Singapore.

Anh nhân viên ĐSQ Lebanon, người Malaysia có chùm râu dài lưa thưa trong gió hỏi tôi đến từ quốc gia nào mà muốn xin visa vào Lebanon. Anh thủ thỉ với tôi: “Người Bangladeshi, Philipino và Việt Nam thường hay bị từ chối cấp visa để đi lang thang ở Lebanon mà anh không hiểu lý do tại sao. Hầu hết du khách đến Lebanon đều phải có thư mời và phía đối tác phải làm việc trước với Bộ Nội Vụ Lebanon để xin phép cấp visa”. Tôi trả lời: “Tôi không có thư mời, nhưng mà trước mắt anh hãy xem qua bộ hồ sơ của tôi, nếu thấy được thì cấp visa, còn không thì cũng chẳng sao!”.

Anh lật từng trang, xem qua những visa tôi có trong 4 quyển hộ chiếu và hơi ngạc nhiên về tôi. Anh nói: “Trước mắt, bạn điền lại đơn xin visa vì đơn bạn lấy trên mạng không đúng với đơn chuẩn của ĐSQ tại Kuala Lumpur”. Anh ta ôm bộ hồ sơ chạy lên lầu trong lúc tôi điền đơn xin visa. Tôi vẫn trung thành với cách làm bộ hồ sơ của mình: bản copy hộ chiếu và visa những quốc gia “mạnh” đã đi qua, CMND, booking vé máy bay và khách sạn, bản hợp đồng lao động và xác nhận mức lương, đơn xin nghỉ phép, bản xác nhận số dư ngân hàng (tất cả bằng tiếng Anh và có công chứng).

Tôi đã từng nhận thông tin: Muốn có visa Lebanon phải chờ 1 tháng, nên tất cả các booking của tôi đều dự tính thời điểm đến Lebanon sau 1 tháng nộp đơn xin visa.

3 phút sau, cô gái Lebanon xinh đẹp từ trên đi xuống (cô là thư ký của Ngài Đại Sứ). Cô ta chuyện trò với tôi, nhưng thật ra là đang phỏng vấn tôi với những câu hỏi như: bạn đến Lebanon với mục đích gì? Có đi qua Syria luôn không? Chuyến đi này của bạn được tài trợ hay bạn tự chi trả, …

Tôi “bịa” ra một lý do mà cô rất ưng ý với sự hài lòng thể hiện trên mặt: “Tôi đến Lebanon để viết một quyển sách “Trên con đường La Mã của vùng Viễn Đông”. Cô biết rồi đấy, cùng với Sirya, Lebanon là một trong những thành phố “Phượng Hoàng” của vùng Trung Đông trong sự quy hoạch chi tiết của các hoàng đế La Mã từ cuối thế kỷ 4 và đầu thế kỷ 5. Chưa kể, đây là vùng đất nằm trên con đường “Thập Tự Chinh” hay là một trong những điểm tập kết cuối cùng của “con đường tơ lụa” để vượt biển đến Rome và Venice. Chính điều này làm cho Lebanon là một vùng đất giàu tính lịch sử ở vùng Trung Đông.

Tôi từng gom nhặt một ít vết tích của người La Mã ở Pakistan, Iran, Jordan, khá nhiều ở Thổ Nhĩ Kỳ và tôi muốn nhặt tiếp dấu chân của họ còn rất nhiều ở Lebanon. Iraq và Syria bây giờ quá nguy hiểm nên tôi không thể nhặt vết tích của người La Mã ở đó, có chăng đến đó chỉ lượm những vỏ đạn đồng”.

Dĩ nhiên, tôi không dại dột gì mà khai mình đã từng vào Israel đi lượm vết tích của người La Mã. Cô ta mượn lại 4 hộ chiếu của tôi, đi lên lầu. 5 phút sau, cô quay lại và nói gì đó với anh người Malaysia. Tôi thấy họ bắt đầu scan hộ chiếu và hồ sơ cần thiết của tôi. Tôi tin là tôi đã đậu visa và nghĩ rằng: bản xác nhận tiền dư trong ngân hàng cũng khá quan trọng, tuy nhiên điều quan trọng không kém khi đi phỏng vấn visa chính là: bạn sẽ tìm thấy gì ở quốc gia đó, mục đích chuyến đi của bạn là gì một cách thuyết phục nhất.

Ngài Đại Sứ từ trên lầu đi xuống nói với tôi: “Điều tôi lo sợ nhất là không có ĐSQ Việt Nam ở Beirut, lở có chuyện gì không hay xảy ra do ảnh hưởng bạo động chiến tranh, bạn không có nơi trú ẩn!”. Tôi cười và trả lời Ngài: “Sống chết có số Ngài ơi!”.

Sẳn đó, tôi giả bộ khóc bù lu bù loa rồi chuyển qua tâm trạng hối tiếc ghê gớm khi kể chuyện ngày xưa lúc ở Jordan: Tôi đến thành phố Jerash ở Jordan và chỉ còn 60km nữa là vào Syria. Lúc đó, Syria cho phép công dân Việt Nam mua visa ở cổng đến với giá 50USD. Tôi chựng lại và quyết định để dành Syria – Lebanon cho chuyến đi lần sau, không ngờ 2 năm sau, chiến tranh xảy ra và tôi không còn cơ hội để đến đây nữa. Ngài cười trả lời tôi bằng câu nói ẩn ý: “Chiến tranh sẽ không bao giờ dừng lại!”.

Tôi cũng phàn nàn với Ngài Đại Sứ về tình trạng mail mấy lần được gửi đi đến ĐSQ Lebanon, nhưng không bao giờ có hồi âm. Họ im lặng, không nói gì! Tôi tính nói: “Kính thưa Ngài Đại Sứ, sau đây là bài hát “Sao chưa thấy hồi âm – Châu Kỳ”, nhưng sợ họ không hiểu nên thôi.

Điều đặc biệt, tôi xin họ địa chỉ mail chính thức để liên hệ, họ không cho và nói với tôi: “Bạn cứ yên tâm về đi, khi nào có visa, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn qua email đã khai trong đơn xin visa”. Họ cũng không chấp nhận giao dịch qua đường bưu điện như ĐSQ Jordan. Hình như họ sợ bị làm phiền lắm hay sao đó!

Một sự cố đã xảy ra khi tôi đi nhận visa Lebanon (35 USD/giá trị visa 3 tháng/1 lần vào/ở 15 ngày). Tôi viết thư 2 ngày trước khi qua KL để báo cho ĐSQ rằng: cho phép tôi nhận visa lúc 15h do đường xá xa xôi. Họ không trả lời trả vốn và tôi cứ thế xách đít mà đi. Đến nơi, ĐSQ chỉ có 2 cô ngồi tám chuyện và chuẩn bị đóng cửa ra về. Họ nói tôi: “Anh làm visa bận đi ăn tiệc rồi, mai quay lại đi!”. Tôi điên tiết và chửi lộn quá trời với 2 cô nhân viên, vì tôi phải mất 16USD cho khách sạn ngủ lại KL và tiền cho một vé may bay mới để quay lại Sài Gòn.

Hôm sau, anh người Malaysia khá mất bình tỉnh khi nhìn thấy gương mặt hầm hố của tôi. Để giảng hòa, anh tặng tôi cuốn sách hướng dẫn đi bụi ở Lebanon. Cười trừ!

Tôi biết rằng, các ĐSQ ở KL thường trả visa từ 9:00 – 12:00 giờ. Chuyến bay sớm nhất của Air Asia từ Sài Gòn đến KL là 8:35 AM, vào trung tâm KL và cộng thêm 1 tiếng chênh lệch múi giờ, bạn không kịp đến để nhận visa theo quy định. Tối nhất, ngủ bụi trong sân bay đêm trước và hôm sau đến nhận visa.

Buồn quá, khi gặp khá nhiều cô gái Việt đứng đường ở Alor, Petaling, Chinatown trong KLC. Trên chuyến bay của AK, cũng nhiều cô gái trẻ măng, thời thượng trang phục và đầu tóc đang cải nhau vì sợ giao dịch bị quỵt tiền, … Chỉ e rằng, các nữ du khách sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Malaysia trong thời gian tới, giống như trường hợp ở Singapore.

Tái bút: Nếu trong hộ chiếu của bạn có visa Israel hay dấu xuất nhập cảnh vào Israel, có thể, bạn bị từ chối nhập cảnh vào Lebanon. Để bảo toàn hộ chiếu của bạn, khi xuất visa Israel, bạn yêu cầu ĐSQ xuất visa rời (dán trên giấy A4). Khi nhập hay xuất cảnh, bạn yêu cầu nhân viên đóng mộc trên giấy A4. Lỡ dính dấu xuất nhập cảnh của Israel, bạn đi xin visa nào đó, nhờ dán chồng lên dấu xuất nhập cảnh.

Nguồn: Linhnc2005
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả