Nhật Bản

Chinh phục núi Phú Sĩ – Nấc thang lên thiên đường (Phần 2)

Bởi
Nhật ký
Núi
Cập nhật: 22/02/2024 8:48 pm
Đã đăng: 01/09/2014 8:00 am

Chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi ở một nhà trọ nhỏ giữa núi. Khi leo đến đây trời đã tối, khoảng 19h30. (chúng tôi xuất phát khoảng lúc 12h trưa). Căn nhà nghỉ chân khá nhỏ. Có 1 phòng chung dùng để ăn tối. Trong phòng có hình cũng như 1 tấm gỗ khắc quảng cáo nơi đây từng là nơi dừng chân của Thái tử Điện hạ của Nhật Bản.

Sau khi sử dụng buổi tối khá đạm bạc gồm một phần cơm cà ri đơn giản, chúng tôi về phòng nghỉ. Có 2 phòng lớn, mỗi phòng có 2 tầng, mọi người phải nằm sát nhau như xếp cá, ánh sáng cũng không đủ mạnh, sức chứa khoảng… 40 người một phòng. Cũng khá xui cho đoàn Việt Nam vì phòng nằm ngay gần phòng vệ sinh nên mỗi khi đi ra vào phòng vệ sinh chỉ cần có người quên đóng cửa thì mùi hôi bay ra không thể nào chịu được.

Trời đã gần tối – Ảnh: DU LỊCH BỤI
Ảnh: DU LỊCH BỤI

Theo lịch trình, cả đoàn sẽ nghỉ đến khoảng 1h sáng và sau đó sẽ tiếp tục leo lên đỉnh cho kịp đón mặt trời mọc (tầm hơn 4h sáng). Nhóm du lịch bụi có 4 người, trong đó có 1 bạn nữ. Gần như mọi người đều kiệt sức sau khi leo hơn 6 tiếng đồng hồ từ tầng 5. Ai cũng đau nhức chân và đều than không thể ngủ được dù quá mệt. Ở đây vì thời tiết lạnh nên mỗi người đều được phát một cái túi ngủ cá nhân như trong truyện doraemon, chỉ cần chui vào là ấm áp.

Chỗ nghỉ ngơi chật chội – Ảnh: DU LỊCH BỤI

23h30, cả nhóm đánh thức nhau dậy chuẩn bị cho chuyến hành trình leo núi đêm lần đầu trải nghiệm trong đời nhưng không như mong muốn. 2 bác dẫn đoàn báo tin gió đang lớn nên không biết có thể leo được không vì an toàn của mọi người là trên hết. Thế là chúng tôi được yêu cầu vào phòng đợi. 1 tiếng rồi 1 tiếng rưỡi trôi qua, cả nhóm sốt ruột ra nói chuyện thì thấy bác nhất quyết không chịu dẫn lên núi vì “sợ gió lớn”. Chúng tôi ra phía ngoài nhà trọ để xem xét tình hình, gió không lớn như bác “mô tả” và các đoàn khác sau khi liên lạc nhiều chỗ để xác nhận tình hình thì họ vẫn tiếp tục leo bình thường. Nhìn từ trên cao xuống, tôi cũng có thể thấy từng đoàn từng đoàn từ dưới núi vẫn đang leo bình thường lên và nhìn lên phía trên cũng vậy…

Nhóm người Việt Nam bắt đầu khó chịu vì đã ngầm hiểu được “ý đồ” của bác tour guide lần này là vì “lười” leo và một phần chắc do “ngại” quản lý hay dẫn đường cho chúng tôi – đoàn người nước ngoài, nói thật lúc đó chúng tôi khá bực mình với bác tour guide người Nhật này. Và sau một hồi xác nhận thật kỹ càng tình hình cũng như thảo luận với nhau, chúng tôi đã quyết định viết giấy xác nhận tự chịu trách nhiệm và tự leo lên đến đỉnh mà không cần tour guide. Đoàn người Việt Nam bỏ cuộc khoảng gần 10 người vì họ quá mệt nên nhóm chỉ còn đúng 30 người tiếp tục. Một lần đi một lần khó, đã đi đến đây mà không được “lên đỉnh” thì không ai chịu được nên anh em rất hăng máu, quyết leo lên cho bằng được.

Dù tự leo nhưng anh em trong đoàn vẫn rất kỷ luật và tuân thủ quy định. Nhóm cũng phân công 1 người đầu và 1 người cuối có kinh nghiệm từng leo giám sát đoàn. Anh em ai nấy đều phấn chấn, mặc đồ đầy đủ, đeo đèn pin lên đầu, gắn đèn pin lên tay, xách balo lên và xuất phát lúc khoảng 2h30 sáng. Vì xuất phát trễ nên khả năng cao là sẽ không leo đến đỉnh kịp để đón mặt trời mọc.

Phải chuẩn bị đèn pin để leo đêm – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Thời tiết khá đẹp, không mây, gió nhẹ nhưng lạnh. Vẫn cảm giác cũ, chân rất mệt, cả nhóm cứ leo, leo và leo. Chỉ 2 anh đầu nhóm và cuối nhóm cứ lâu lâu lại xác nhận tình hình hay báo dừng chân nghỉ ngơi. Chúng tôi còn cách đỉnh khoảng 200-300 mét (theo chiều cao), dù đã thấy đỉnh nhưng sao đi hoài vẫn chưa tới. Lúc đó trời cũng bắt đầu sáng lên. Chúng tôi quyết định dừng giữa đường đón cảnh mặt trời mọc.

Rạng sáng, anh em dừng lại đón mặt trời mọc – Ảnh: DU LỊCH BỤI
Chờ bình minh lên – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Bình minh đang lên… Thật tuyệt vời, không biết nói gì hơn, cảnh tượng quá tuyệt vời, tôi đứng trầm ngâm một lúc rồi giật mình tranh thủ chụp hình và quay phim tài liệu lại cho DU LỊCH BỤI. Bên cạnh tôi thì có hai bạn Tây đang hôn nhau say đắm giữa cảnh bình minh trên độ cao trên 3400 mét. Thật lãng mạn. Nếu có người yêu của mình ngay bên cạnh lúc này chắc tuyệt vời lắm.

Đón bình minh lên – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Vì leo núi Phú Sĩ được xem như một cuộc hành hương nên người Nhật quan niệm lên đây lúc gần sáng để đón bình minh là một điều ý nghĩa và thiêng liêng. Nên không giống như một số tour leo các núi khác, leo núi Phú Sĩ thời điểm leo lên đỉnh lại là ban đêm để có thể kịp đón “Thần mặt trời” ló dạng.

Bình minh trên núi Phú Sĩ – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Sau khi đón mặt trời mọc, nhóm lại tiếp tục leo và leo…. Và cái gì đến cũng sẽ đến, chúng tôi đã chinh phục được đỉnh núi Phú Sĩ cao hơn 3700 mét trong nhiệt độ khoảng 0 độ C, gió và bụi thổi mù mịt (do núi Phú Sĩ là núi lửa) dù không mạnh lắm. Lượng oxy trong không khí giảm thấp khi lên cao và tất nhiên thấp nhất khi tới đỉnh nên anh em ai nấy đều nước mắt nước mũi chảy đầy ra vì vừa sướng vừa mệt, một số anh em mệt quá thì dùng bình oxy để thở lấy lại sức.

Từ đỉnh núi nhìn xuống khi trời quang mây – Ảnh: DU LỊCH BỤI
Ảnh: DU LỊCH BỤI

Đường lên núi Phú Sĩ giống như một cuộc hành hương lên trời vậy, nơi có một ngôi chùa nhỏ nằm kế bên miệng núi lửa khổng lồ. Khi bạn nhìn lên cao sẽ không thấy đỉnh núi liền mà chỉ thấy thấp thoáng cánh cổng trắng phía cuối con dốc giữa mây trắng mù mịt. Nói tóm lại là y như cánh cổng dẫn lên trời vậy, nơi được bao phủ bởi chín tầng mây.

Quang cảnh nhìn xuống từ “Cổng trời” – Nơi cao nhất Nhật Bản – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Sau khi lên đỉnh chúng tôi tạt ngay vào quán ăn, giá cả khá là chát, mỗi bát mì gói giá 900 yên (180 nghìn) và mỗi lần dùng phòng vệ sinh sẽ mất 300 yên.

Nơi nghỉ ngơi trên đỉnh núi – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Vậy đỉnh núi Phú Sĩ là gì? Đó là một cái miệng núi lửa khổng lồ, nói đúng ra là một cái lỗ khổng lồ nhưng đoàn không may mắn lắm vì lúc đó trời mây mù mịt nên không ai thấy gì bên trong cả. Ngoài ra đoàn còn phải leo xuống núi gấp trong vòng 4-5 tiếng để kịp chuyến xe về Shinjuku lúc 11h trưa, nên không thể đợi cho trời quang mây khi nắng lên được. Ai nấy đều có chút thất vọng một xíu nhưng vẫn rất vui vì đã chinh phục được bản thân mình.

Đỉnh núi Phú Sĩ, Ta đã chinh phục mi! – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Chuyện ngoài lề, theo thông tin DU LỊCH BỤI biết và tìm hiểu miệng núi lửa khổng lồ nhìn đáng sợ và đá dốc cheo leo nhưng có nhiều người liều leo lên đây vào mùa đông (lúc này tuyết sẽ phủ kín) rồi chơi trượt tuyết trong… miệng núi lửa! Tất nhiên điều này bị cấm nhưng vẫn có một số bạn Nhật liều mình chơi bất chấp nguy hiểm tính mạng, kết quả là có người bị tai nạn, chết hay bị thương.

Đường đi về là một con đường khác ít vất vả hơn nhưng cả đoàn dường như bị kiệt sức sau hơn 10 tiếng leo núi nên cũng cảm thấy khá mệt khi leo xuống.

2 bạn đồng hành mệt mỏi khi leo xuống, còn tôi ngồi ngắm cảnh – Ảnh: DU LỊCH BỤI
Đường đi xuống khá dễ dàng nhưng dốc – Ảnh: DU LỊCH BỤI
Một phút nghỉ chân khi leo xuống – Ảnh: DU LỊCH BỤI

Khung cảnh lúc leo xuống cũng rất tuyệt vời, trời quang không mây, nắng đẹp, cảnh sắc hùng vĩ. Rất thích hợp cho chụp hình “tự sướng” nhưng một phần vì quá mệt, đồ đạc lềnh kềnh và phải leo xuống cho nhanh kịp chuyến xe về nên tôi không dừng lại chụp hình nhiều, chỉ đơn giản thưởng thức khung cảnh tuyệt vời đó, chắc chắn nó sẽ mãi in sâu trong ký ức của tôi. Chào nhé Fujisan!

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Chia sẻ cảm nghĩ

Thảo luận1

    Viết trả lời hoặc Bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

      Pingback/Trackback

    1. DU LỊCH BỤI - Chinh phục núi Phú Sĩ – Nấc thang lên thiên đường15/04/2015
    Liên kết được đề xuất
    Xem tất cả