Đài Loan

Chạm đến “Trái tim châu Á”

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 25/07/2023 3:45 am
Đã đăng: 01/04/2017 3:00 pm

Trước khi đến Đài Loan (Trung Quốc), tôi hình dung đó là vùng đất với nền kinh tế giàu có khi được xếp là một trong những mãnh hổ của Châu Á bên cạnh Singapore, Hàn Quốc, Hongkong với hạ tầng cơ sở hiện đại và cuộc sống công nghiệp hóa hối hả, bận rộn.

Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên khi đáp máy bay đến Đài Bắc, ngồi trên xe buýt từ sân bay Đào Viên vào trung tâm, tôi bị hụt hẫng khi thay vì là những trung tâm thương mại sầm uất và mới cóng như Singapore hay những khối nhà bê-tông chọc trời như Hongkong thì Đài Bắc lại hiện ra với một chiếc áo khá khiêm nhường cũ kỹ với những kiểu nhà hộp khối của những năm 1950 – 1960. có lẽ không giồng với những gì mà du lịch đài loan hô hào nơi đây là “trái tim châu Á”.

“Choáng” với Đài Bắc!

Thế nhưng cảm giác hụt hẫng nhanh chóng được lắp đầy khi tôi “đứng hình” trước “Đài Bắc 101” – trung tâm thương mại bậc nhất thành phố Đài Bắc, nơi giữ kỷ lục “Tòa nhà cao nhất thế giới” từ năm 2004 đến năm 2010 đồng thời là niềm kiêu hãnh của bất kỳ cư dân Đài Loan nào. Tòa tháp sừng sững tại một vị trí đắc địa thuộc quận Tín Nghĩa (được ví như “Manhattan của Đài Bắc”) với thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa Đông Phương gồm 101 tầng trên nền và 5 tầng hầm được thiết kế đặc biệt để chịu đựng bất kỳ cơn bão hay trận động đất nào có thể đổ bộ vào Đài Loan.

Một góc tại Đài Bắc

Tuy nhiên, “verdette” của tòa nhà này lại không nằm ở thiết kế bên ngoài hay nội thất bên trong mà chính là thiết bị giảm chấn của tòa nhà. Đó là một con thép nặng 660 tấn được treo lơ lửng từ tầng 92 xuống tầng 87 giúp “Đài Bắc 101” trở thành một trong những tòa nhà vững chắc nhất thế giới. Nói thế không có nghĩa trung tâm phức hợp giải trí kiêm thương mại này không sở hữu thiết kế hoàn mỹ mà ngược lại chứa đựng những triết lý phong thủy phương Đông cực kỳ sâu sắc. Tòa nhà nhìn từ xa được ví lúc thì tựa như một bảo tháp gồm tám tầng (mà trong văn hóa Trung Hoa số tám (bát) tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng và may mắn), lúc thì như cây gậy như ý hướng về thiên đình hoặc như một thân tre tượng trưng cho sự học hỏi và trường tồn.

Quyết định mua vé để lên đỉnh của tòa tháp, tôi được giới thiệu ngắn gọn về các thông tin lịch sử xây dựng và ý nghĩa kinh tế du lịch của “Đài Bắc 101” bằng 8 thứ tiếng thông qua một thiết bị audio thuyết minh. Cũng từ đây tôi hoàn toàn lặng người khi được ngắm toàn cảnh thành phố Đài Bắc xinh đẹp trong ánh hoàng hôn thanh bình. Trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp đầy sôi động có phần “ngột thở” mà tôi chứng kiến trước đó vài giờ tại khu mua sắm tọa lạc từ tầng 1 đến tầng 5 của “Đài Bắc 101”.

Ảnh: Shutterstock

Để biết thêm nhiều về Đài Loan, hai địa chỉ tham quan khá thú vị là Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch – cố lãnh đạo của Đài Loan và Bảo tàng cung điện quốc gia Cổ Cung. Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch được xây dựng khá hoành tráng trên 25 hecta đất gồm vườn và lối đi bộ được xây dựng từ cẩm thạch trắng với mái ngói màu xanh trên nền đỏ. Trong khu vực nhà bảo tàng những đồ vật dụng cụ sinh hoạt của vị Lãnh đạo này cũng được trưng bày tỉ mỉ. Qua những món đồ được trưng bày, khách tham quan có thể hình dung được cuộc sống và sự nghiệp của ông.

Quảng trường tự do

Trong khi đó Bảo tàng cung điện quốc gia Cổ Cung lại mở một cánh cửa đưa tôi đến với không gian văn hóa lịch sử Trung Hoa. Có thể nói bảo tàng cung điện quốc gia Đài Bắc là nơi lưu giữ những tinh hoa vì số lượng những cổ vật quá nhiều nên chỉ những món vật tiêu biểu và xuất sắc nhất mới được trưng bày và các trưng bày cũng được thay đổi thường xuyên. Thời gian cho cả di chuyển và thăm thú bảo tàng mất ít nhất 4 tiếng đồng hồ nhưng hoàn toàn xứng đáng đối với những ai yêu thích lịch sử và không thể rời mắt khỏi những món cổ vật quý giá, tinh xảo vốn chỉ dùng cho hoàng gia trong lịch sử. Để từ đó có thể thấy sự tinh hoa điêu luyện của nghệ nhân thủ công Trung Hoa trong quá khứ và mường tượng được cuộc sống xa hoa tột cùng các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa.

Lối lên Nhà tưởng niệm Tưởng Giới Thạch

Mảng màu đối lập tại Đài Nam và Cao Hùng

Chỉ cách Đài Bắc một tiếng đi xe hay tàu nhanh nhưng lại có nhịp sống chậm rãi và hiền hòa hơn hẳn. Đó chính là Đài Nam. Về mặt lịch sử đây là thành phố cổ nhất Đài Loan còn lưu lại những di tích lịch sử quý giá như pháo đài Provintia, Lầu Xích Khảm, Văn Xương Các. Bên cạnh đó, Đài Nam còn nổi tiếng với nền văn hóa dân gian giàu bản sắc bao gồm các món ăn nhanh nổi tiếng và các nghi lễ Đạo giáo. Khi đến Đài Nam, ngoài thăm thú các di tích cổ nói trên, tốt nhất nên dành thời gian “được” lạc ở các con hẻm nhỏ xinh xắn và cảm nhận nhịp sống chậm rãi nơi đây. Ở Hà Nam còn có dịch vụ cho thuê xe gắn máy khoảng 300.000 VNĐ/ngày (điều kiện là phải có bằng lái xe quốc tế). Với chiếc xe máy, bạn có thể khám phá phố phường Đài Nam một cách tự do và thoải mái nhất.

Lầu Xích Khảm Đại Nam

Trái ngược với một Đài Nam hoài cổ, nhẹ nhàng thì Cao Hùng như một “cô nàng” hiện đại, nóng bỏng đôi lúc khiến bạn phải… hụt hơi vì “chạy” theo nàng. Là thành phố trẻ lại nằm ở phía nam, sát biển, khí hậu ấm áp quanh năm lại có cảng biển lớn nên không ngạc nhiên khi nơi đây tập trung nhiều trung tâm mua sắm, chợ đêm lớn và những quán nhậu hải sản. Cao Hùng còn nổi tiếng là thành phố ăn chơi cho giới làm ăn từ Đài Bắc xuống vì mọi dịch vụ và đồ ăn đều rẻ hơn 30%.

Làm mứt trái cây tại Đài Nam

Một lần Gay Pride tại Châu Á

Một trải nghiệm khá thú vị tại Đài Bắc mà tôi được có dịp tham gia là lễ hội diễu hành của cộng đồng LGBT. Có lẽ khái niệm Gay Pride đã không còn lạ lẫm với chúng ta. Gay Pride là một hình thức diễu hành đường phố của cộng đồng LGBT – cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới – nhằm thể hiện sự tự hào về giới tính và cách sống của họ. Tôi đã từng tham gia nhiều cuộc diễu hành (thậm chí cả biểu tình) ở châu Âu, trong đó có Gay Pride tại thủ đô Brussels (Bỉ), tuy nhiên đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một Gay Pride tại châu Á và càng ngạc nhiên hơn khi biết được Đài Loan là nơi đầu tiên cho phép Gay Pride diễn ra trên các trục đường chính của thành phố và được sự hỗ trợ, bảo vệ của lực lượng cảnh sát.

Đoàn diễu hành bắt đầu ở cổng Jingfu gần khu vực đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, đi qua các trục đường chính trong khu vực Zhongzheng và các cơ quan văn hóa và giáo dục quan trọng như Thư viện quốc gia, trường Đại Học Đài Bắc, Quảng trường Tự Do.

Ảnh: danongmagazine.vn

Lễ hội diễu hành thu hút hơn 10.000 người đến từ nhiều đất nước khác nhau. Đoàn diễu hành gồm nhiều xe tải con thuộc các tổ chức bảo vệ quyền cho người LGBT và công ty kinh doanh các sản phẩm văn hóa, nhu yếu phẩm cho cộng đồng này. Có những nhóm bạn trẻ hóa trang thành những nhân vật hoạt hình như Pokemon, võ sĩ Sumo, Elsa, Bạch Tuyết, Nàng Tiên Cá hay những nữ ca sĩ nổi tiếng thế giới như Madonna, Lady Gaga…

Mỗi người có một cách thể hiện sự tự hào về giới tính của họ thông qua những slogan, những khẩu hiệu hay những cách hóa trang rất phá cách và thú vị nhưng tựu trung lại họ đều có một điểm chung là sự khao khát thể hiện con người bản năng thật của mình, muốn vượt ra khỏi sự kiềm kẹp và đánh giá của xã hội xung quanh, cũng như hô vang khẩu hiệu kêu gọi sự hợp thức hóa hôn nhân đồng giới vì đó là quyền cơ bản của con người – được sống bên cạnh người mình yêu quý một cách công khai và với sự bảo vệ của pháp luật.

Ảnh: danongmagazine.vn

Điểm dừng cuối cùng của đoàn diễu hành cũng chính là điểm xuất phát, khu vực quảng trường. Tại đây, nhà lãnh đạo đương thời Đài Loan đã có bài phát biểu với toàn thể cộng đồng LGBT có mặt tại buổi diễu hành nhằm thể hiện sự ủng hộ của chính quyền dành cho cộng đồng. Hòa cùng không khí phấn khởi và vui tươi đó, tôi còn nhìn thấy nhiều ông bố cha mẹ bế con mình theo, cùng giơ cao lá cờ cầu vồng và nhảy múa với những người bạn vừa quen biết. Chứng kiến điều ấy tôi không khỏi ngưỡng mộ đảo quốc bé nhỏ này. Để có thể tổ chức một buổi tuần hành lớn như vậy, họ bắt buộc phải có một khung pháp lý rõ ràng về tự do ngôn luận, tự do hội họp và thể hiện quan điểm. Ngoài ra những định kiến xã hội dành cho người LGBT cũng phần nào được hạn chế khi nhiều buổi diễu hành công khai và chính thức như thế này được tổ chức.

Cơm tối cùng gia đình văn hóa

Điều may mắn nhất trong chuyến đi lần này là tôi được mời dùng cơm tối tại một gia đình người Đài Loan. Anh bạn tôi quen sinh trưởng trong một gia đình “tam nam” nhưng không hề “bất phú”. Mỗi người con được cha mẹ định hướng từ bé nên làm theo đuổi ngành nghề gì. Người con cả là nhà thiết kế xe hơi, cậu em út đang luyện thi vào ngành luật thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Bắc. Còn người bạn của tôi thì vừa tốt nghiệp một trường đại học y ở châu Âu và hiện làm việc tại Đài Bắc. Gia đình năm người thuộc tầng lớp trung lưu, cha mẹ đều đi làm và có thu nhập khá giả. Tuy vậy họ lại có lối sống thanh đạm, giản dị và ít phô trương. Họ bảo với tôi rằng người Đài Loan không thích khoe mẽ về sự giàu có của mình mà chuộng sự khiêm nhường. Riêng cá nhân tôi thấy họ rất giống người Nhật ở điểm này.

Tòa tháp Đài Bắc 101 sừng sững trong đêm

Khi đến Đài Loan bạn sẽ thấy sự nhẹ nhàng, lịch sự trong cung cách phục vụ. Ẩm thực Đài Loan cũng ảnh hưởng bởi văn hóa Nhật Bản khi dùng rất ít dầu mỡ và gia vị. Người Đài Loan chú trọng chất lượng hơn số lượng và tuân thủ luật lệ nơi công cộng khá nghiêm khắc. Có thể nhận thấy giáo dục gia đình và nhà trường ở Đài Loan tuy có phần cứng nhắc nhưng tạo không gian tự do cùng những trao đổi cần thiết với thế giới bên ngoài. Do đó đa số con cái của gia đình trung lưu ở Đài Loan đều nói tốt tiếng Anh và có cơ hội tham gia những học kỳ nước ngoài, trao đổi văn hóa tại Anh, Australia, Mỹ và các nước phương Tây khác. Đặc biệt người Đài Loan rất thích du lịch sang Nhật Bản và ngược lại.

Đến Đài Loan là phải đi chợ đêm
Một ngôi chùa tại thành phố Đài Nam

Còn về sự liên kết với Trung Quốc Đại lục, người Đài Loan cũng tự hào vùng lãnh thổ này bảo tồn được những điều tinh hoa nhất của văn hóa Trung Hoa. Minh chứng rõ ràng là ngôn ngữ chính thức được sử dụng ở Đài Loan là tiếng Hoa phồn thể nguyên bản, và nền y học cổ truyền Trung Quốc cũng là một ngành nghề lớn ở Đài Loan. Sau cuộc trò chuyện với gia đình người bạn và chuyến tham quan ngắn ngủi, tôi dần nhận thấy những giá trị văn hóa thú vị của vùng lãnh thổ này. Đài Loan là một xã hội nhiều sự giao thoa giữa giá trị nguyên bản và đổi mới. Bên trong những tòa nhà cũ kỹ trong có vẻ không tươm tất, là những giá trị được bảo tồn tự nhiên từ đời này sang đời khác, tạo nên bản sắc riêng của Đài Loan.

Nguồn: Sĩ Anh Nguyễn/Danongmagazine.vn
Đài Loan
209 lượt xem
Tìm hiểu
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Đài Loan
209 lượt xem
Tìm hiểu
Liên kết được đề xuất
Xem tất cả