Đài Loan

Au Revoir Taipei

Bởi
Nhật ký
Cập nhật: 25/07/2023 3:49 am
Đã đăng: 01/04/2017 7:00 am

Khi cầm tấm passport ra sân bay đi Taipei, mình hơi giật mình khi thấy lần gần nhất bước chân ra khỏi Việt Nam đã cách đây ba năm, đi Singapore. Chuyến đi Singapore ấy không để lại cho mình quá nhiều ấn tượng, đến mức nghĩ rằng thôi cứ du lịch ở trong nước cũng được.

Nhưng Taipei làm mình thay đổi suy nghĩ. Đinh Phương viết một câu rất hay: “Thành phố là một thực thể sống”. Và có lẽ cái “thực thể sống” Taipei đón chào mình, trái hẳn với sự lạnh nhạt của Singapore, dù cả hai lần đều đi cùng vợ. Singapore nhộn nhịp nhưng vô hồn, Taipei thì ngập tràn sức sống. Taipei là thành phố của người, Singapore là thành phố của robot.

Trên tàu tốc hành

Trước giờ, nhắc đến Đài Loan mình chỉ có hai mối liên kết: Thư Kỳ và Formosa. Sang Taipei tìm mãi chả thấy Kỳ đại tiểu thư đâu, nhưng Formosa – một trong những tập đoàn lớn nhất châu Á – thì tràn ngập ở các biển hiệu. Taipei có một cái gì đó rất giống với Sài Gòn, đó là chỉ cần ở một thời gian ngắn là đã có thể thích ngay.

Taipei là sự hòa hợp những truyền thống và hiện đại. Những tòa nhà chọc trời vẫn vươn lên, phía dưới là những con hẻm hiền hòa, với những khu phố vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cũ. Bên cạnh hơn 9.000 khu dân cư, vẫn có hơn 400 ngôi làng được giữ lại. Đài Loan từng bị Nhật đô hộ, và họ bị ảnh hưởng bởi sự trầm mặc đã trở thành dân tộc tính của người Nhật. Cùng một chủng tộc, nhưng dân Đài không ồn ào như người anh em Trung Quốc.

Người tài xế trung niên chở bọn mình đi A Lý Sơn vẫn còn giữ thói quen nhai trầu. Khi xe lên đèo, cứ chốc chốc ông lại mở cửa kiếng phun trầu ra ngoài. 90% taxi ở Taipei không nói được tiếng Anh và đa phần là người đứng tuổi. Một bác phải dùng đến kính lúp để ngó qua cái địa chỉ mà bọn mình muốn đến. Một chị trung niên cứ bảo mình là người Thái Lan. Khi mình bảo mình là người Việt Nam, chị thậm chí còn không biết quốc gia ấy ở đâu. Và cuộc trò chuyện bất đồng ngôn ngữ chỉ kết thúc khi chị phát âm đất nước của chúng ta là “Yu Nan”.

Hoa đào ở A Lý Sơn
Tàu tốc hành đi Đài Trung

Taipei giống Sài Gòn ở chỗ nó là thành phố không ngủ. 11 giờ đêm, người ta vẫn xếp hàng vào mua trà sữa. Nhà sách Eslite mà mình tìm được trên mạng mở cửa 24/24, chiếm trọn một tầng trong cái cao ốc khổng lồ.

Và dân Taipei cũng có tâm hồn ăn uống như dân Sài Gòn, các chợ đêm rất tấp nập và người ta bỏ vào bụng mọi thứ có thể: bánh bao, xúc xích, thịt nước, mì, bột chiên, đậu hủ và cơ man những món ngọt. Vật quý nhất, nổi tiếng nhất trong bảo tàng Cố Cung của Đài là một cái… bắp cải, làm bằng ngọc bích.

Cũng chính nhờ cái tâm hồn ăn uống ấy mà người Đài có món xiaolongbao (một loại dim sum có nước súp bên trong) lừng danh. Năm 1958, một công ty dầu hỏa làm ăn thua lỗ, ông chủ ở đây tìm cách cắt lỗ để trả lương nhân viên thông qua việc bán dim sum có nước thịt. Nào ngờ bán bánh còn lời hơn bán dầu, thế là Din Tai Fung ra đời năm 1972, lập tức trở thành nhà hàng nổi tiếng nhất nước, giờ còn mở chi nhánh ở Úc, Trung Quốc, Nhật, Hoa Kỹ và Ả Rập.

Cá viên hay bò viên không rõ, bỏ miệng nhai nuốt như Trư Bát Giới ăn quả hồ lô
Bánh bao quỷ quái mất nết, cắn vào là nước tứa ra.

Tình làng nghĩa xóm vẫn được tìm thấy giữa đời sống nhộn nhịp nơi đây. Khi mở cửa hàng ở các chợ đêm, nghe bảo chủ quầy vẫn chào nhau câu cửa miệng “Thế đã ăn uống gì chưa”. Khi tiếng nhạc Fur Elise vang lên ở những con hẻm, bà con nô nức đi ra… đổ rác, trên những chiếc xe rác màu vàng luôn mở bản giao hưởng bất hủ của Beethoven. Đấy là lúc họ tám đủ thứ chuyện trên đời. Taipei là thành phố “không để rác chạm đất”, mình thấy nó còn sạch hơn cả Singapore, dù đi thật xa mới thấy một thùng rác công cộng.

Bấm huyệt toàn thân. Chuyết kinh hỏi: “Thế vào bấm huyệt có được cởi ra hết thế này không?”

Màu vàng tràn ngập các đường phố. Ở đây taxi chỉ có độc nhất một màu vàng, từ hạng cực phẩm cho đến cái xe từ thời chín trăm hồi đó. Grab không có mặt ở đây, Uber khó kiếm nhưng taxi thì gần như vẫy tay là có. Những người già đến mức phải đeo kính lão vẫn có chỗ làm việc, mình chợt nhớ chuyện tài xế xe ôm đánh tài xế Grab vì nghĩ những công nhân mặc áo xanh lá tranh giành miếng ăn với họ. Trên Saigoneer, mình còn đọc cả những bản tin về việc đánh nhau có tổ chức giữa lực lượng “xe ôm truyền thống” với những nhân viên Grab thời thượng.

Và cuối cùng, Taipei giống Sài Gòn ở cái máu… ghét Trung Quốc. Những biểu ngữ chống Trung Quốc, đặc biệt là nạn mua bán nội tạng xuyên quốc gia dễ dàng được nhìn thấy trên đường, đặc biệt ở những nơi đông đúc nhất.

Bên trong 101, tiền không
Taipei nhìn từ trên cao

Chả hiểu sao mình thấy gần gũi Taipei vô cùng, dù chỉ mới lần đầu đặt chân tới. Nó không xa lạ và trịch thượng như Singapore. Nghe bảo Thủ tướng Lý Hiển Long đang ở Việt Nam, và lập tức ta bi quan quy về cái suy nghĩ cực kỳ cliché: hồi ấy bố của y từng mơ ước Singapore cũng được như Sài Gòn. Nhưng bạn hãy đọc về lịch sử Singapore đi, để rồi thấy Lý Quang Diệu vĩ đại được là nhờ bàn tay sắt và cái tính độc tài. Y biến Singapore thành cường quốc, nhưng cũng biến nó thành một thành phố vô hồn với những người dân đi trên đường như rô bốt. Mình nghĩ mình vẫn thích Sài Gòn như hiện nay hơn, với tất cả những tốt đẹp và cả khó chịu mà nó mang lại. Một thành phố nên là một thực thể sống như Đinh Phương nói, như Sài Gòn, Taipei, chứ không nên là một thứ bê tông cốt thép nhạt nhẽo vô hồn. Taipei đủ đẹp và gần gũi để trước khi rồi khỏi đó, người ta sẽ lưu luyến nói – Au Revoir Taipei.

Ở một giao lộ, xe nào ra xe đó

Và nếu có ước, thì ước gì Sài Gòn sẽ trở thành Taipei, chứ đừng thành Singapore. Chỉ có điều, nếu như Việt Nam thật sự là một công chúa ngủ trong rừng như các vị quan chức vẫn hay ví von, thì hoàng tử mía lao kia, rốt cục ngươi đang ở đâu?

© Nội dung đã được tác giả Binh Bong Bot đồng ý cho phép phát hành trên website.

Đài Loan
206 lượt xem
Tìm hiểu
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Đài Loan
206 lượt xem
Tìm hiểu
Liên kết được đề xuất
Xem tất cả