Châu Á

Ấn Độ – Ngày quay lại (Phần 4)

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:39 pm
Đã đăng: 07/01/2016 10:18 am

Nhấm nháp giọt cà phê, tôi than phiền với bà về tình trạng nhếch nhác ở Ấn Độ. Bà đáp trả tôi bằng nụ cười ấm áp : “Chấp nhận nó đi con trai ạ, đó là hình ảnh văn hóa đặc trưng từ tiểu lục địa Ấn Độ trải dài lên vùng Trung Đông. Hãy chấp nhận sự nhếch nhác đó như cách các bà mẹ người Anh dạy dỗ cho những bé gái vừa mới chào đời.

Họ sẽ trao cho bé gái một đồng xu đính vào chiếc vòng đeo cổ. Mặt trước của đồng xu là hình ảnh một vị nữ thần hộ mệnh cho bé gái, mặt sau của đồng xu trống rỗng và có một chút sần sùi.

Các bà mẹ luôn giải thích cho bé gái hiểu rằng, mặt trước chính là tương lai và mặt sau chính là quá khứ. Nó còn là hình ảnh của một cuộc sống vợ chồng với những ưu và khuyết điểm của người bạn đời. Không ai hoàn hảo trong cuộc đời này và hãy chấp nhận một khi bước vào cánh cửa hôn nhân. Hãy bỏ qua sự nhếch nhác ấy, đi tìm những gì tiêu biểu và rực rỡ nhất của nền văn minh sông Hằng … Bà đã khuyên tôi như thế!

Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Phải chăng, những gì nhếch nhác của Ấn Độ đập vào mắt tôi là những hình ảnh mà tôi thường thấy ở Việt Nam từ giao thông đông đúc loạn xạ, buôn bán lấn chiếm lòng đường phố, tình trạng rác rến dơ bẩn, những khúc sông đen ngầu trong lòng phố, … để rồi tôi không chấp nhận, không muốn nhìn thấy hiện trạng ấy khi đến đây.

Trong sự cầu tiến của bản thân, tôi muốn nhìn thấy những viễn cảnh thuộc về các tính từ : thơm tho, đẹp đẻ, sạch sẻ ở các quốc gia đi qua bởi tôi đã sống bao nhiêu năm trong hoàn cảnh hiện thực của nước nhà. Lâu quá rồi nhàm chán!

Thỉnh thoảng, tôi lại khó chịu trong bản thân về việc phải chấp nhận những điều không hay trên đường đi. Nó như một điều gì đó khó diễn tả thành lời như khi gặp phải sự “đỏng đảnh” của các cô gái Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Thượng Hải luôn ngoảnh mặt quay lưng lại với đàn ông nước mình, tìm thấy những gì khác lạ ở đàn ông phương Tây : ga lăng, lịch sự, mắt xanh, mũi cao, tóc vợn, đặc biệt có lông rậm!.

Các bạn tôi ở các thành phố hay quốc gia ấy luôn than thở mỗi khi gặp mặt bằng câu nói : “Rất khó cho chuyện cưới xin bởi phải đạt 2 tiêu chuẩn : địa vị và tiền bạc phải “đủ” cho cuộc sống sau này. Thôi thì độc thân hay là cha đơn thân cho nó khỏe!”. Các cô gái Brunei giàu có nhưng vẫn ngoan hiền hơn bởi vì họ đã bị Thánh Allah “thuần hóa” từ khi mới lọt lòng.

7 năm đã trôi qua, cánh tài xế tuk tuk đã có sự “hiền lành” hơn nhiều so với trước. Họ đã được tập huấn nhiều lần bởi lực lượng cảnh sát và chỉ được cấp giấy phép hành nghề, cùng bộ đồng phục màu vàng xám hay màu xanh dương khi phải trải qua và phải đạt trong những bài thi căng thẳng. Tôi luôn tự vệ mình và tạt gáo nước lạnh vào cánh tài xế tuk tuk bằng cách tìm mua một một chiếc áo thun có in hàng chữ “I love India – tôi yêu Ấn Độ” để khoác trên người.

Cánh tài xế tuk tuk luôn ngạc nhiên khi thấy tôi bận chiếc áo ấy. Trong tiềm thức, họ luôn nghĩ rằng, ít ai sẽ quay lại Ấn Độ bởi những sự hiện hữu đang diễn ra tại đây, đặc biệt với du khách phương Tây.

Lần ấy, ở New York, tôi vào một cửa hiệu thời trang ở đại lộ số 5 để xem qua thiết kế mới một số nhãn hàng trong mùa Thu Đông.

Cô bán hàng vừa đon đả và rỉ vào tai tôi khi tôi ngắm nghía chiếc áo in hình Taj Mahal phía trước ngực : “Mày đã đi Ấn Độ chưa? Tao đến một lần và thề không bao giờ quay lại mày ạ. Mọi thứ rất kinh khủng!”. Hay như bà cô người Bỉ sống tại Brussel kia mà tôi ở cùng nhà nghỉ tại Srinagar tiết lộ : “Anh trai ruột của tao thề rằng không bao giờ quay lại Ấn Độ mày ạ!”.

Đôi mắt ngờ nghệch tỏ vẻ không tin với câu hỏi luôn đưa ra từ những bác tài xế : “Mày thật sự yêu Ấn Độ à?!”. Tôi cứ từ tốn giải thích một cách trầm lặng của người Việt Nam : “Ông biết đấy, chính vì yêu Ấn Độ nên tôi đã quay lại. 7 năm trước tôi luôn cãi vả với đám tài xế, gần như ngày nào cũng có. Một ngày nếu không có cãi vả, tôi thề sẽ ăn cơm không ngon”.

Câu nói ấy, như đụng chạm vào dây thần kinh xấu hổ và rồi họ hơi ngượng ngùng chở tôi đi trong sự im lặng.

Dĩ nhiên, trước khi xuất phát, tôi luôn hỏi ông chủ khách sạn số tiền phải trả cho đoạn đường di chuyển. Trong suốt hành trình 1 tháng ấy, tôi chưa từng cãi vả với những tài xế tuktuk và đôi khi tôi còn nhận giá rẻ hơn những gì ông chủ khách sạn mách bảo trước đó. Việc di chuyển bằng xe buýt cũng khá thuận tiện ở Ấn Độ, tuy nhiên tôi không thích nhìn cảnh những khối thịt được dồn lên trên một chiếc xe nhỏ bé đầy hơi người.

Tôi chia sẻ với bà mẹ người Mỹ như thế …

Thành phần trí thức của người Ấn luôn than phiền về các thành phố lớn như Mumbai, New Delhi mà họ đang sinh sống về sự bất công của chính phủ. Họ gọi đó là những thành phố “không công bằng” giống như người Mỹ hay gọi các thành phố của tiểu bang Texas là “Những thành phố mỉa mai hay xỉa xói” để nói về sự phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và người da đen.

Những vị bác sĩ, luật sư, … xuất thân từ thành phần nghèo khổ trong xã hội, dù có giỏi đến mấy cũng không thể nào nhận được mức lương cao hơn hay được đề bạt lên vị trí cao hơn so với những thành phần xuất thân từ những dòng dõi giàu có. Sự chênh lệch, phân chia đẳng cấp ấy, không chỉ xuất hiện trong thành phần trí thức, mà còn cả trong giới lao động kỹ thuật và tay nghề. Đó là hệ quả lâu dài của người Anh để lại khi Ấn Độ từng là thuộc địa của họ trong suốt 89 năm và cho đến nay Ấn Độ vẫn là quốc gia nằm trong “Khối thịnh vượng chung” của họ.

Những người trí thức ấy luôn kể cho tôi nghe những nỗi niềm của họ khi lập nghiệp tại các thành phố lớn. Một cách đơn giản nhất mà tôi có thể nhìn thấy sự phân chia ấy là những ngôi nhà. Sự xa hoa trong các biệt thự, đường đi được mua riêng đứt đoạn trên hè phố, … của những vị bác sĩ xuất thân từ tầng lớp thượng lưu so với những chung cư ọp ẹp về diện tích và cũ kỹ của thành phần bác sĩ còn lại. Giấy phép hành nghề tại phòng khám tư gia luôn là vấn đề khó khăn với những bác sĩ nghèo khó. Như một hệ quả từ sự phân chia giai cấp, những người trẻ Ấn Độ ít khi phấn đấu bởi phía trước họ là rào cản khó lòng vượt qua. Động lực không nhiều nên họ chỉ nhàn nhàn và tìm kiếm cơ hội đi xuất khẩu lao động sang các quốc gia Ả Rập để tích lũy tiền bạc, mở quán bán hàng gì đó và cưới vợ … Cuộc đời họ chỉ thế.

Tôi xuýt rơi nước mắt khi lắng nghe câu chuyện về “giàu nghèo” trong xã hội Ấn Độ của anh trung niên ngồi kế bên trong chuyến bay từ Patna về lại New Delhi. Sự phân chia giai cấp ấy khắc nghiệt hơn Việt Nam rất nhiều và không phải qua câu chuyện đó để anh nhận tiền “thương xót” từ tôi, mà đó là thời khắc anh phải xa gia đình, con cái để sang Arab Saudi làm công nhân xây dựng với mức lương 8 triệu/tháng dù anh đã bước sang lứa tuổi 40 và có bằng kỹ thuật chuyên môn Hóa Sinh trong tay.

Tôi đã dành nguyên phần thức ăn phục vụ của tiếp viên cho anh như là cách tôi chia sẻ câu chuyện buồn. Anh tạm biệt tôi khi chuyển sang ga quốc tế bằng câu nói : Cuộc sống luôn là thế!

Tôi kể cho bà nghe những gì tôi biết được trên đường đi …

Một bà cô phương Tây độ chừng 50 tuổi đi ngang qua, tiện thể ghé lại quán Kathmandu ngắm nghía thực đơn và giá tiền của những món ăn. Trên vai bà, cồng kềnh hành lý còn dính bụi đường từ trước ra sau. Dường như bà mới đến phố Main Bazaar sáng nay …


Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Chia sẻ cảm nghĩ

Thảo luận4

    Viết trả lời hoặc Bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

      Pingback/Trackback

    1. DU LỊCH BỤI - Ấn Độ – Ngày quay lại (Phần 5)11/01/2016
    2. DU LỊCH BỤI - Ấn Độ – Ngày quay lại (Phần 2)07/01/2016
    3. DU LỊCH BỤI - Ấn Độ – Ngày quay lại07/01/2016
    4. DU LỊCH BỤI - Ấn Độ – Ngày quay lại (Phần 3)07/01/2016
    Liên kết được đề xuất
    Xem tất cả