Châu Á

Ấn Độ – Ngày quay lại (Phần 3)

Bởi
Nhật ký, Uncategorized
Cập nhật: 29/08/2018 2:39 pm
Đã đăng: 06/01/2016 3:45 pm

“Tao tìm thấy rất nhiều điều thú vị trong hành trình 3 tháng ở đây. Mày biết đấy, những gì ở Ấn Độ, tao không bao giờ tìm thấy trên đất Mỹ” Bà trả lời tôi với đôi mắt màu xanh trong và đôi mi màu vàng óng dường như đang lơ đãng và chìm dần vào quá khứ xa xôi …

Đó là những bản trường ca trên vó ngựa oai hùng của các vương triều Mughal trên đường mở cỏi lấy lại những vùng đất tưởng chừng như mãi mãi thuộc đế chế Ba Tư. Cột tháp Jam được dựng lên ở tỉnh Ghor – Afghnanistan như là minh chứng về sự kiêu hảnh của những vị hoàng đế điển trai trên gót giày chinh phạt của mình nối liền dãy đất từ Bangladesh qua đến Afghanistan thành một lãnh thổ thống nhất.

Những điêu khắc trên các hàng cột.

Trên con đường tơ lụa từ Âu – Á trong thời Trung Cổ để đổi lấy những gia vị quý hiếm chỉ có tại Ấn Độ, những kiến trúc, đền đài, lăng tẩm, sân vườn của các nền văn hóa khác nhau lại lưu lạc đến đây. Chúng tạo thành sự riêng biệt và đóng đinh cho “dấu ấn” của các vương triều Mughal.

Các kiến trúc ấy mang hơi thở của người Ba Tư trong các sân vườn rộng lớn bao quanh đền đài, một chút đong đưa đầy quyến rũ của đế chế Ottoman trên các mái vòm, những câu kinh Qu’an điêu khắc đầy tính nghệ thuật của người Hồi Giáo đến từ bán đảo Ả Rập trên các bức tường, hay một vài vết tích của người La Mã trên những hàng cột chạy dài đến xa tít khỏi tầm mắt trong những công trình, hoặc một ít cổ xưa của vương triều Pagan – Myanmar trong các ngôi đền nhỏ nằm quanh các ngôi đền chính, là những bức tranh của nền văn minh sông Hoàng hà của văn hóa Trung Hoa được bày trí trong các cung điện, …

Nhìn tổng thể, chúng là những phần tử kết hợp với nhau một cách uyển chuyển nhịp nhàng để tạo sự khéo léo trong các công trình. Người Ấn không gọi các vương triều Mughal là những người sao chép kiến trúc “Tughlaq” của người Thổ được thịnh hành và lan truyền qua các quốc gia khác từ đầu thế kỷ 15, bởi trong tổng thể ấy luôn có những “dấu ấn” nhất định: những bông hoa đầy màu sắc bằng đá quý được sắp đặt theo lề lối khác hẳn, những tảng đá cẩm thạch trắng được chồng chất trên những viên sa thạch màu đỏ. Chúng tạo thành một nét rất riêng không lẫn vào đâu khi nói về nghệ thuật Mughal.

Qutub Minar, cây cột đánh dấu sức mạnh của các vương triều Mughal.

Dĩ nhiên, câu hỏi của tôi quá bất ngờ, nên bà cũng khó khăn lôi ra những kỷ niệm trên vùng ký ức từ Đất Phật để kể hết cho tôi nghe những gì bà đã có tại đây. Tôi cũng như thế, chỉ khi nào nhìn lại hình ảnh trong khoảng không gian riêng tư nhất định, tôi mới có thể say sưa và tìm thấy những gì trong vùng trời thương nhớ đã được cất giữ trên não.

“Trong ánh sáng vàng tan loãng và lan dần, theo nhịp điệu lắc lư của chân lạc đà qua từng đụn cát ở Rajasthan, hoàng hôn đến thật yên bình mày ạ. Một con chim ưng nào đó cất tiếng kêu nảo nùng trên đôi cánh đằm thắm không một chút chao nghiêng khiến người ta gậm nhắm một chút cô đơn và suy nghĩ về cuộc đời khi ánh sáng đang dần chuyển qua màu đỏ tím về một góc trời. Người ta săn bắt chim ưng nhiều lắm để bán nó qua các quốc gia Hồi Giáo Ả Rập nằm bên kia eo biển mà nơi đó chim ưng luôn được xem như biểu tượng của sức mạnh …” Bà đang kể cho tôi nghe về những trải nghiệm mà bà từng có trước đây …

Đó là một cái nhìn “lạnh lùng” mang một chút “căm phẫn” trên đôi mắt của những cư dân vùng Kashmir khi nói về Ấn Độ. Với họ, người Ấn đến đây với một quân đội hùng mạnh nhằm cốt yếu giữ lấy chủ quyền của vùng đất lạnh giá hơn là những gì mà họ đã và sẽ xây dựng để Kashmir ngày càng rực rỡ. Họ không cần những gì liên quan đến chính quyền Ấn Độ bởi họ cũng đã có một bộ máy chính quyền vững chắc nơi đây. Đơn giản nhất, văn hóa người Kashmir quá khác biệt với văn hóa người Ấn và họ muốn sống trong nền văn hóa đó!

Đến Ấn Độ, đừng quên thử qua món Bhelpuri (món snack) ăn chơi khi buồn miệng.

Đó là ngày mà bà tham dự buổi nói chuyện của Ngài Dalai Lama với các tín đồ Phật Giáo để được nghe câu trả lời một cách thông minh, không kém phần “chân thật” từ sâu thẳm trong tâm hồn Ngài. Một kẻ “cắc cở” hỏi rằng : “Nếu một ngày nào đó, khoa học chứng minh ra rằng tôn giáo luôn đi ngược một cách “khó chịu” với khoa học, liệu rằng Ngài có thay đổi niềm tin tôn giáo?”. Ngài đã trả lời rằng : “Tôi sẽ kiểm chứng lại tất cả các tài liệu, văn bản, phương pháp chứng minh, … vào ngày đó, nếu là sự thật, tôi sẽ thay đổi niềm tin tôn giáo!”.

Đó là ngày bà đã tham dự một đám cưới truyền thống của người Hindu ở vùng quê xa xôi và nhận ra sự biến mất của những gì thuộc về nghi thức ở một đám cưới xa hoa tại các thành phố lớn. Nơi đó các nghi lễ Baraat (Chú rễ đến nhà cô dâu bằng ngựa và hát một khúc hát tỏ tình), Varmalar (đeo tràng hoa lên người cô dâu và chú rễ) và Satphere (Chú rễ và cô dâu đi vòng quanh đám lửa đọc kinh 7 lần) vẫn còn tồn tại và được bảo tồn suốt thời gian qua. Mọi người sẽ ca hát và khiêu vũ suốt đêm để chúc mừng cho một mối lương duyên đã được kết nối bền vững.

Đó là những ngày bà lang thang trong các phiên chợ để hít hà hương thơm của các loại gia vị vô cùng bắt mắt trong sắc màu được đặt trên quầy hàng hay đi tìm hiểu kỹ nghệ nhuộm vải trong các con ngõ hẹp luôn xôn xao ở vùng Punjab. Rồi trong những tháng chay của người Ấn, bà đắm chìm trong món Palok Pani với màu xanh đậm tuyệt đẹp hòa quyện trong hương thơm của các loại thảo mộc mà trước đó bà tưởng chừng như không ăn được khi nhìn nó.

Những câu kinh Qu’an được khắc trên cột.

Đó là những ngày bà lang thang xuôi về phương Nam, bà nhận ra rằng nó quá khác biệt với vùng đất phương Bắc trên kia bởi tâm linh Hồi Giáo đã phủ khắp. Trên mảnh đất phương Nam, các con đường tơ lụa bắt đầu tập hợp lại để vượt biển đến các hòn đảo còn lại nằm trên Ấn Độ Dương thuộc vùng Nam Á và kiến trúc Tughlaq của người Thổ lại thể hiện rõ nét trong các công trình xây dựng bằng đá và gạch thông thường.

Đó là, đó là, … và tôi gần như quên hết những gì bà đang kể cho tôi nghe bởi câu hỏi đang vụt qua trong đầu : Tôi còn lại những gì thuộc về “giá trị” cho những chuyến đi trước đây!?. Đó phải chăng là một xu hướng phải đi du lịch để thể hiện sự giàu có, đi một mình để nổi tiếng về sự cam đảm và gan dạ, sự cạnh tranh hay “so đo” đếm nước để mình được là người được đi nhiều nhất, hình ảnh ảo tung chảo lung linh ma mị đến bất ngờ để rồi đến đó hoảng hốt thốt ra rằng “Trời ơi, sao nó không giống như trong phim ảnh”, sự lộng lẫy kiêu sa cho những vùng đất đi qua để ngồi chờ đếm like trên FB, …

Một cái đầu rỗng tuếch khi câu hỏi đã đi qua! Tôi quá thất vọng về các chuyến đi của mình trước đây. Tách cà phê đang cạn dần và hương vị cà phê cũng thế nhạt dần trên đầu môi. Tôi gọi thêm một cốc cà phê mới ….


Nguồn: Linhnc2005

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

Liên kết được đề xuất
Xem tất cả